Di chúc chung của vợ chồng theo pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành



Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Hình thức chia thừa kế theo di chúc là hình thức chia thừa kế trong đó ý chí của người để lại di sản được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ thông qua các quy phạm pháp luật. Bên cạnh di chúc cá nhân, pháp luật Việt Nam còn quy định về di chúc chung của vợ, chồng.


Chỉ khi người chết có để lại di chúc định đoạt di sản, di chúc đó hợp pháp thì khi đó mới có thể đề cập tới việc thừa kế theo di chúc. Theo quy định của luật Dân sự: “di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Trên thực tế, di chúc không phải lúc nào cũng nhằm dịch chuyển tài sản thuộc sở hữu của người lập di chúc cho người khác. Di chúc có thể thể hiệnmột mong muốn, ý nguyện nào đó của người lập di chúc. Nội dung di chúc trong trường hợp này thường là những lời căn dặn người còn sống cách sống, cách đối xử với nhau, giao các nghĩa vụ đạo đức… 


Mặc dù không nhằm chuyển dịch bất cứ loại tài sản nào của người lập di chúc nhưng loại di chúc này có ý nghĩa nhất định (đặc biệt là về mặt tinh thần) đối với những người còn sống. Đây là loại di chúc khá phổ biến, nó thường được thể hiện ở lời căn dặn của người sắp chết với những người thân và cũng có thể được thiết lập bằng văn bản.
Loại di chúc này không được Luật Dân sự điều chỉnh do các nghĩa vụ được đề cập đến trong di chúc này là những nghĩa vụ tự nhiên, người có nghĩa vụ có thực hiện nghĩa vụ hay không là phụ thuộc vào lương tâm, đạo đức không ai ép buộc và nếu không thực hiện nghĩa vụ thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Khi vi phạm các nghĩa vụ được đề cập trong di chúc thì người có nghĩa vụ gánh chịu sự lên án của xã hội, đặc biệt sự là sự phản ứng của dòng họ và gia đình. Nếu có tranh chấp xảy ra liên quan đến di chúc loại này pháp luật cũng không can thiệp và cũng không có căn cứ pháp lý để giải quyết. Chỉ khi vì các tranh chấp đó mà các bên xảy ra xung đột và có dấu hiệu của vi phạm pháp luật thì khi đó các cơ quan chức năng mới có thẩm quyền giải quyết. Cơ sở pháp lý để giải quyết xung đột trong trường hợ này không phải là các quy phạm pháp luật thừa kế mà là các quy phạm thuộc các ngành luật khác có liên quan.


Như vậy, chỉ những di chúc thể hiện ý chí của cá nhân về việc định đoạt tài sản cá nhân nhằm để chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết mới được Luật Dân sự điều chỉnh. Luật Dân sự quy định về nội dung, hình thức, điều kiện có hiệu lực của di chúc… Trong cùng một di chúc bên cạnh việc định đoạt tài sản người lập di chúc có thể đề cập đến các nghĩa vụ tự nhiên như đã đề cập ở trên. Nhưng Luật Dân sự chỉ điều chỉnh phần liên quan đến việc định đoạt di sản mà thôi, phần còn lại không phải di chúc vô hiệu mà nó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dân sự.
Người lập di chúc dựa vào ý chí và tình cảm của mình định đoạt cho bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào mà họ muốn được hưởng di sản sau khi mình qua đời. Có hai hình thức của di chúc là di chúc văn bản và di chúc miệng.
Luật Dân sự bảo vệ như nhau đối với hai hình thức nhưng hình thức lập di chúc bằng văn bản được khuyến khích hơn vì khi ý chí của người lập di chúc được ghi lại đó sẽ là bằng chứng rõ ràng để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến di chúc.
Mời các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu luận văn cùng chủ đề “Di chúc chung của vợ chồng theo pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành” của tác giả Nguyễn Hồng Hạnh tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/14637

Nhận xét

Bài đăng phổ biến